CÀNG KÉO GIẢM, GIÁ NHÀ CÀNG TĂNG

Những gì đang diễn ra cho thấy giá nhà đất ngày càng leo thang, bỏ xa thu nhập của nhiều người dân sống tại các thành phố lớn.

Thu nhập đuổi không kịp giá nhà

Trong báo cáo về thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý 1 mới đây, Bộ Xây dựng cho biết giá căn hộ vẫn tiếp tục tăng cao khiến cho thu nhập của người dân ở các đô thị lớn theo không kịp.

Theo đó, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Tại Hà Nội giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5% cao hơn so với tại TP.HCM tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.

Các căn hộ bình dân có mức giá từ 25-30 triệu đồng/m2. Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận, huyện tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bộ Xây dựng cho biết.

Càng kéo giảm, giá nhà càng tăng

Giá nhà đất ngày càng leo thang, bỏ xa thu nhập của nhiều người dân sống tại các thành phố lớn.

Phân khúc nhà ở riêng lẻ, đất nền biên độ tăng giá còn mạnh hơn so với nhà chung cư, với tỷ lệ tăng bình quân khoảng 5-10% so với quý trước.

Thời điểm cuối tháng 3/2022, một số vùng ven Hà Nội, TP.HCM và tại các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15-20% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.

Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung ở các phân khúc. Số lượng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đều hạn chế, có xu hướng giảm.

Gỡ pháp lý để tăng nguồn cung

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), để kéo giảm giá nhà phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Nếu muốn tăng nguồn cung nhà ở thì trước hết phải tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất đa dạng từ bình dân đến cao cấp.

HoREA cũng vừa công bố báo cáo bổ sung kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản về tình trạng vướng mắc pháp lý kéo dài dẫn đến bế tắc nguồn cung nhà ở.

Trong hai đợt công bố, danh sách các dự án mà các doanh nghiệp đề nghị được xem xét tháo gỡ vướng mắc đã lên đến 102 dự án. Các dự án bao gồm nhiều loại hình, từ nhà ở thương mại đến nhà ở xã hội và cả dự án nhà tái định cư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội – hai phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người dân. Cung không đủ cầu khiến giá nhà đang cao hơn 20 lần thu nhập trung bình của xã hội.

Theo ông Châu, để kéo giảm giá nhà ở, việc đầu tiên cần làm là tăng nguồn cung. Trong 2 năm gần đây, nguồn cung nhà ở toàn thị trường TP.HCM liên tục sụt giảm mạnh.

Đặc biệt, tình trạng thị trường vừa bị mất cân bằng cung-cầu vừa bị mất cân đối, lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp thể hiện rất rõ trong 2 năm gần đây, khi loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021. Trong khi đó, nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, dẫn đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản chưa tương xứng với tiềm năng.

Chủ tịch HoREA kiến nghị các địa phương đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên đấu thầu dự án cho thuê đối với các phần diện tích đất công thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được quy hoạch để phát triển khu lưu trú công nhân, khu nhà ở chuyên gia.

Mặt khác, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án, hoặc hoán đổi 20% quỹ đất này bằng số lượng nhà ở xã hội, diện tích đất ở tương đương.

Các doanh nghiệp cũng nên được phép đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ nhằm tăng nguồn cung.

Leave Comments

0909801753
0909801753