Cơn khát nhà bình dân lên đỉnh điểm
Từ Đà Nẵng vào TP.HCM, hai vợ chồng Nghĩa đều làm nhân viên văn phòng với tổng thu nhập hàng tháng hơn 45 triệu đồng. Đến nay đã hơn 10 năm, hai vợ chồng Nghĩa vẫn chưa có được căn nhà mơ ước cho riêng mình.
“Trước đây, mỗi tháng chúng tôi để dành được khoảng 20 triệu đồng. Nhưng từ khi có con đến nay, số tiền để dành hàng tháng chỉ là con số 0 tròn trĩnh, thậm chí còn phải chi tiêu cả tiền để dành khi con cái ốm đau”, anh Nghĩa nói.
Anh Nghĩa cho biết trong suốt 10 năm qua, hai vợ chồng anh đã dành dụm được gần 1 tỉ đồng, nên gần đây anh nung nấu ý định mua nhà. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, một căn hộ bình dân khoảng 50m2 cũng có giá bán lên đến khoảng 2 tỉ đồng.
Giá căn hộ ngày càng tăng cao, khiến nhiều người trẻ có nhu cầu mua nhà gặp khó. Ảnh minh họa
“Có đi tìm nhà mới thấy gian nan thế nào. Không chỉ vì mình ít tiền, rất khó kiếm căn hộ phù hợp, mà muốn vay ngân hàng thì người mua nhà hiện nay không có nhiều sự lựa chọn các gói tín dụng, thường phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ mới dễ giải ngân”, anh Nghĩa nói.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội. Do thiếu cung trong lúc nhu cầu rất lớn dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.
Biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập).
Bước sang quý 2/2022, thị trường bất động sản TP.HCM đã trở nên sôi động, số lượng sản phẩm tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung đưa ra thị trường thời gian qua thuộc các dự án lớn, tức số lượng dự án tham gia vào thị trường không mấy cải thiện.
Thanh khoản hạn chế
Theo CBRE Việt Nam, thị trường căn hộ TP.HCM có gần 13.000 căn hộ được chào bán trong quý 2 vừa qua. Tuy nhiên, nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang, không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có thì chỉ một vài dự án nằm ở xa trung tâm. Sự khan khiếm này đã đẩy giá bán căn hộ ở thị trường TP.HCM tăng vọt.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết trong thời gian tới, nhiều chủ đầu tư đang có kế hoạch tung ra các căn hộ hạng sang và siêu sang. Phân khúc tầm trung không có nguồn cung từ nay đến cuối năm nếu không có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Sự tham gia của các dự án hạng sang và siêu sang có thể xác lập mặt bằng giá mới trên thị trường.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết diễn biến của thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 là thiếu nguồn cung giá thấp, giá bán cao nên thanh khoản trên thị trường thứ cấp bị hạn chế. Xu hướng này có thể tiếp tục trong nửa cuối năm. Lý do không chỉ vì quỹ đất hạn chế mà những vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ khiến chi phí đầu vào tăng cao, đẩy giá thành đầu ra leo thang.
Theo ông Khương, phân khúc cao cấp đối với các đô thị lớn như TP.HCM thường chỉ có giới đầu tư tham gia. Trong khi đó, phân khúc nhà ở trung cấp dành cho những người trẻ từ dưới 30-35 đang có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm đối tượng này hạn chế hoặc rất ít sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của họ.
Đồng quan điểm, ông Kiệt của CBRE cho rằng nhóm nói trên có nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng họ không biết mua gì và tìm ở đâu để mua. Với nhóm khách hàng này, tiết kiệm được một tỉ đồng đã khó, nhưng với số tiền này họ cũng không dễ mua được nhà, Nếu vay thêm lại vướng vấn đề bị siết tín dụng. Nếu mua ở các dự án mới thì giá bán cao, còn các dự án cũ trên thị trường thứ cấp giá thấp hơn nhưng lại phải trả tiền một lần chứ không thể trả góp theo tiến độ.